Bổ sung phương pháp xác định trị giá hàng XK – Nghị định 59/2018/NĐ-CP
Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã bổ sung phương pháp xác định trị giá hải quan hàng XK, nội dung này được thể hiện tại Khoản 8 Điều 1. Các phương pháp xác định trị giá hải quan hàng XK đã được bổ sung như sau: “Trị giá hải quan hàng XK là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế, được xác định theo trình tự các phương pháp sau:
a) Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất bao gồm giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa XK phù hợp với chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa;
b) Giá bán của hàng hóa XK giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai XK của lô hàng đang xác định trị giá;
c) Giá bán của hàng hóa XK giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai XK của lô hàng đang xác định trị giá;
d) Giá bán của hàng hóa XK do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất.”
Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xác định trị giá hải quan hàng XK đối với các trường hợp không xác định được trị giá theo hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại. Việc bổ sung thêm các phương pháp xác định trị giá không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, để làm rõ hơn, Nghị định 59/2018/NĐ-CP bổ sung khái niệm cửa khẩu xuất. Điều 86 Luật Hải quan quy định trị giá hải quan hàng XK là giá bán tính đến cửa khẩu xuất. Tuy nhiên, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP lại không quy định thế nào là cửa khẩu xuất (là cửa khẩu nơi xếp hàng lên phương tiện vận tải hay cửa khẩu nơi hàng hóa được làm thủ tục XK hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam) dẫn đến không xác định được các khoản chi phí liên quan khi xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu.
Do đó,Nghị định 59/2018/NĐ-CP bổ sung khái niệm cửa khẩu xuất theo hướng quy định cửa khẩu xuất đối với các phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Cụ thể, đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu xuất là cảng xếp hàng, nơi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải ghi trên tờ khai hải quan. Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu xuất là địa điểm xếp hàng tại cửa khẩu đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan. Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu xuất là cửa khẩu biên giới nơi XK hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các chứng từ khác có liên quan.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định này sẽ thống nhất trong cách hiểu cửa khẩu xuất theo nhiều cách khác nhau dẫn đến xác định các khoản chi phí phải cộng vào trị giá hải quan đối với hàng hóa XK không thống nhất. Việc bổ sung định nghĩa cửa khẩu xuất không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Thống nhất quy trình kiểm tra trị giá – Nghị định 59/2018/NĐ-CP
Liên quan đến việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan,Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định đảm bảo quy trình thực hiện kiểm tra trị giá được thực hiện thống nhất tại khâu thông quan; đảm bảo tính công bằng, bình đẳng cho người khai hải quan trong khai báo, xác định trị giá, tham vấn; khắc phục tình trạng kiểm tra trùng lắp, chồng chéo, vừa tham vấn, vừa thực hiện kiểm tra sau thông quan; tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Nội dung này được quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP: ”Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan Hải quan thông báo, đề nghị người khai hải quan thực hiện khai bổ sung trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày thông báo và giải phóng hàng theo quy định. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan Hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan Hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
Trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo, cơ quan Hải quan thông báo cơ sở nghi vấn, mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định và giải phóng hàng hóa theo quy định, người khai hải quan thực hiện tham vấn với cơ quan Hải quan nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá khai báo.
Trường hợp người khai hải quan đồng ý với mức giá, phương pháp do cơ quan Hải quan dự kiến xác định thì thực hiện khai bổ sung theo quy định trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày đến cơ quan Hải quan thực hiện tham vấn, cơ quan Hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Trường hợp người khai hải quan không khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan Hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
Trường hợp bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan Hải quan đề nghị người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tham vấn. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan Hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan Hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
Trường hợp chưa đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan Hải quan thông quan hàng hóa theo trị giá khai báo.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc nhanh nhất!